Thống kê
Hôm nay : 22
Tháng 04 : 234
Năm 2024 : 1.614
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng chống các bệnh mùa đông xuân

Ở nước ta, hiện đang là mùa đông - xuân, nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi, đặc biệt sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn… làm cho cơ thể con người phải tiêu tốn nhiều năng lượng, sức đề kháng giảm, những người sức khỏe yếu, trẻ em hoặc không thích nghi kịp sẽ dễ bị nhiễm bệnh, ốm. Mặt khác, điều kiện môi trường trong khoảng thời gian này cũng rất thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, vi rút) phát triển và lây lan, càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh của con người, nhất là với các bệnh như cúm, bệnh đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi), sởi, rubella, tiêu chảy… chính vì thế gia đình và nhà trường cần phối kết hợp thật tốt trong công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ, hạn chế tới mức thấp nhất khả năng trẻ bị mắc các bệnh mùa đông xuân.

Một số bệnh thường gặp trong mùa đông xuân và cách nhận biết:

1.  Bệnh Sởi và Rubella

Trẻ mắc sởi hoặc rubella sẽ có các biểu hiện như sốt, phát ban và viêm long đường hô hấp, có thể dẫn đến những biến chứng nặng như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm não... dễ tử vong.

2.  Bệnh Ho gà

Với bệnh ho gà, trẻ sẽ có các biểu hiện: sốt, ho dữ dội thành cơn kéo dài và có tiếng thở rít, chảy nước mắt, nước mũi, kèm theo nôn có đờm.

3. Bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính

Các bệnh đường hô hấp hay gặp nhất ở trẻ vào mùa Đông Xuân là viêm mũi xuất tiết, viêm họng cấp, viêm VA (Vegetation Adenoide ), viêm amiđan cấp hoặc hốc mủ, viêm xoang... Các triệu chứng thông thường là sốt, chảy nước mũi, ngạt mũi, ho, nhiều đờm…

Nếu các triệu trứng đó không được xử lý kịp thời có nguy cơ mắc hen suyễn, gây bất lợi cho sức khỏe của trẻ như gây thở khó, hạn chế việc ăn uống hoặc bú mẹ, đôi khi có thể làm nhiễm trùng huyết rất nguy hiểm đến tính mạng.

4. Bệnh tiêu chảy

Có 2 loại là tiêu chảy thường và tiêu chảy cấp.

Bệnh tiêu chảy cấp có thể do vi khuẩn, do vi nấm, do ký sinh trùng hoặc do nhóm virus đường ruột, đặc biệt là virus Rota.

Bệnh tiêu chảy do virus Rota có thể gặp quanh năm nhưng thường gặp nhất vẫn là mùa Đông - Xuân. Bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, dễ gây thành dịch, nếu không phát hiện và xử trí kịp thời có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Nguyên nhân chủ yếu là do ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn, thức ăn nguội hoặc chưa đủ ấm… dẫn đến các chứng trướng bụng, đau bụng, đầy bụng, tiêu chảy ở trẻ em

5. Bệnh Thủy đậu

Thủy đậu là một bệnh toàn thân do virus varicella zoster gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và thường bùng phát vào giai đoạn giao mùa Đông – Xuân.

Các triệu chứng của bệnh: sốt, nổi mụn nước li ti trên mặt (phụ huynh thường nhầm lẫn với sốt phát ban).

Bệnh nguy hiểm và rất dễ lây lan, do vậy, các bậc cha mẹ nên các các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

 

Để chủ động phòng chống bệnh các bệnh thường gặp trong mùa đông xuân ngành y tế khuyến cáo:

- Nên đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch.

- Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày cho trẻ.

- Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa..), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm từ dịch tiết ra từ mũi họng. Làm sạch đồ chơi, đồ vật bị nghi ngờ nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng và nước sạch.

- Lau sàn nhà, nắm đấm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết ra mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng từ 1 - 2 lần/ngày.

- Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông khí cho nhà ở, phòng học, phòng điều trị hàng ngày.

- Hạn chế tập trung đông người, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí ở khu vực ổ dịch.

- Hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Phụ nữ có thai tuyệt đối không tiếp xúc với người mắc bệnh rubella.

- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị và cách ly kịp thời.

(Nguồn được trích dẫn từ Báo Khoa học (Chuyên mục Y tế- Sức khỏe))

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan